kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Góc nhìn thực tế đối với quan hệ thừa kế giữa con riêng với mẹ kế, bố dượng

quan hệ thừa kế giữa con riêng với mẹ kế, bố dượng

Trên thực tế khi áp dụng quy định về thừa kế tại điều 652, 653, 654 bộ luật dân sự để giải quyết các trường hợp cụ thể thì có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất về nội dung như thế nào được hiểu là “chăm sóc như cha con, mẹ con” và dựa vào tiêu chí nào để đánh giá là có sự chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì pháp luật cũng chưa đề cập đến. Chẳng hạn như:

(1) Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng nhau giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế là bao lâu sẽ được coi là chăm sóc như cha con, mẹ con;

(2) hành vi chăm sóc sẽ được thể hiện từ hai bên hay chỉ từ một bên (người được thừa kế)

(3) nếu như một bên chỉ thể hiện hành vi chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng về tình cảm giữa họ đối với nhau không như cha con, mẹ con thì họ có được thừa kế theo pháp luật của nhau không?. Ngoài ra, việc xác định hàng thừa kế sau khi đã xác định được quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con thì điều luật lại không quy định trong trường hợp này thì con riêng, bố dượng, mẹ kế sẽ thuộc hàng thừa kế thứ mấy nếu đối chiếu với quy định tại khoản 1 điều 651 bộ luật dân sự năm 2015 về người thừa kế theo pháp luật.

Có quan điểm còn cho rằng, nên bỏ quy định về thừa kế thế vị của con riêng, vì giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế với lý do là giữa họ không có mối quan hệ huyết thống và cũng không có mối quan hệ pháp lý nào ràng buộc, nếu có ràng buộc đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là sự ràng buộc về mặt đạo đức xã hội. Có thể lý giải cho cơ sở của quan điểm này là xuất phát từ sự so sánh với trường hợp người con dâu không được hưởng thừa kế đối với phần di sản của cha mẹ chồng, vì giữa họ không có mối quan hệ huyết thống, nhưng do phong tục tập quán của người Việt và trên thực tế phần lớn người con dâu cũng là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chồng. Chính vì vậy, quan điểm trên cho rằng việc quy định con riêng được hưởng thừa kế thế vị thay bố dượng, mẹ kế là không thuyết phục và cần phải được xóa bỏ.

Dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, điều 654 bộ luật dân sự năm 2015 còn cho thấy việc dẫn chiếu đến điều 652 và điều 653 làm cho người đọc có sự hiểu nhầm là thiếu điều 651 về người thừa kế theo pháp luật, nhưng ở điều 653 đã có dẫn chiếu đến điều 651; đồng thời còn thể hiện sự trùng lặp khi điều 653 đã có dẫn chiếu đến điều 652, nhưng điều 654 lại tiếp tục dẫn chiếu đến điều 652. Lẽ ra, các nhà làm luật chỉ cần dẫn chiếu trực tiếp đến điều 651 và điều 652 sẽ hợp lý và chính xác hơn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét