kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Ai chịu án phí trong vụ án tranh chấp thừa kế?

Ai chịu án phí trong vụ án tranh chấp thừa kế?

Tùy thuộc việc yêu cầu của nguyên đơn có được chấp thuận toàn bộ hoặc một phần hay không, bị đơn có đưa ra yêu cầu phản tố hay không, từ đó tòa án sẽ ra quyết định ai là người có trách nhiệm chi trả lệ phí,  án phí.

Hỏi: Bà ngoại em mất không có di chúc để lại. Di sản của bá có mảnh đất do Bà đứng tên. Bà có 6 người con 1 trai 3 gái. Ngoại sống với người con trai còn 3 người con gái đã lập gia đình và sống theo bên nhà chồng. Vì mảnh đất bà để lại khá lớn nên hiện nay 2 người con gái muốn xin người con trai 1 ít đất nhưng người con trai không đồng ý và thách thức đưa ra tòa giải quyết. mảnh đất được định giá khoảng gần 6 tỷ đồng. Luật sư tư vấn giúp, nếu thưa ra tòa thì 2 người con gái đó có nắm chắc phần thắng không? án phí thì ai phải chịu? bên kiện sẽ nộp tạm ứng, nếu bên nào thua sẽ phải trả đúng không ạ? nếu người con gái còn lại không lấy phần đất của mình (ra tòa ký văn bản không nhận ), thì diện tích đất kia sẽ chia cho 3 phần đúng không?

Trước hết cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho chúng tôi. Với những thắc mắc của bạn, Luật sư xin đưa ra tư vấn như sau:

Bà bạn qua đời không để lại di chúc nên tài sản của người chết sẽ chia thừa kế theo pháp luật theo Điều 649 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, những người thuộc diện thừa kế căn cứ Điều 650 quy định như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Dựa theo các quy định trên đây thì những người được hưởng thừa kế của bà ngoại bạn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Do bạn không nói rõ là ngoài những người con của người để lại di sản thì còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất không nên chúng tôi giả định là chỉ có 4 người con được hưởng di sản, Nên di sản của bà ngoại sẽ được chia đều cho 4 người này.

Trường hợp, có người không muốn nhận thừa kế thì có thể từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự:

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.

Như vậy, nếu như việc từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản và phải lập thành văn bản, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì mới có hiệu lực và chấp nhận. Khi đó tài sản sẽ được chia đều cho những người thừa kế còn lại.


Về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quy định tại Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí 2009 như sau:

1. Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận.

2. Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.

3. Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.

4. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.

5. Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.

6. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.

7. Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó.

8. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

9. Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia.

10. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch.

11. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí quy định.

12. Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó.

13. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.

Như vậy, để xác định bên phải chịu án phí thừa kế cần dựa vào việc yêu cầu của nguyên đơn có được chấp thuận toàn bộ hoặc một phần hay không, bị đơn có đưa ra yêu cầu phản tố hay không, tòa án sẽ quyết định ai là người có trách nhiệm chi trả án phí, lệ phí.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét