kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

[TỔNG HỢP] Chính sách mới nổi bật nhất có hiệu lực từ cuối tháng 5/2020

Quy định có hiệu lực từ cuối tháng 5/2020

Dưới đây là nội dung tổng hợp một số chính sách, quy định nổi bật sẽ phát huy hiệu lực từ ngày 21 đến 31/5/2020. Mời độc giả cùng tham khảo nội dung chi tiết.


1. Mức phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường


Bộ Tài chính ban hành Thông tư 22/2020/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường (có hiệu lực từ ngày 26/5/2020).


Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư là Biểu mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường.


Kể từ ngày 26/5/2020 đến hết ngày 31/12/2020 áp dụng mức phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường bằng 70% mức quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư 22.


Lưu ý: Thông tư 22 không điều chỉnh đối với việc khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường của cơ quan nhà nước phục vụ cho mục đích quy định tại khoản 5 Điều 32 Luật Khí tượng thủy văn, Điều 23 Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016.


2. 15 mẫu giấy tờ về quốc tịch áp dụng từ ngày 24/5/2020


Thông tư 02/2020/TT-BTP hướng dẫn sử dụng, quản lý mẫu sổ quốc tịch và mẫu giấy tờ về quốc tịch có hiệu lực thi hành từ ngày 24/5/2020.


Theo đó, kể từ ngày 24/5/2020, giấy tờ về quốc tịch sẽ được áp dụng theo mẫu quy định tại Thông tư 02, đơn cử như:


- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.


- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (Dùng cho người giám hộ/người đại diện theo pháp luật làm Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho người được giám hộ/được đại diện).


- Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam.


- Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam (Dùng cho người giám hộ/người đại diện theo pháp luật làm Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam cho người được giám hộ/được đại diện).


3. Bổ sung quy định về chi phí quản lý với bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp


Từ ngày 30/5/2020, Thông tư 24/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành.


Cụ thể, nội dung và mức chi một số khoản được quy định như sau:


- Hỗ trợ chi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN;...


- Hỗ trợ chi phí in ấn, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu, biểu mẫu, thông báo, báo cáo;


- Hỗ trợ chi phí bảo quản, lưu trữ tài liệu có liên quan về bảo hiểm TNLĐ, BNN;


- Chi hỗ trợ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan có liên quan trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ liên quan về bảo hiểm TNLĐ, BNN.


(Bao gồm cả việc tổng hợp, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN và điều chỉnh mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN).


Mức hỗ trợ cụ thể do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi nguồn chi phí quản lý được sử dụng;…


4. Quy định chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính


Bộ Tài chính ban hành Thông tư 16/2020/TT-BTC quy định về chế độ báo cáo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.


Các loại báo cáo bao gồm:


- Báo cáo định kỳ là báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin, tổng hợp, được thực hiện theo một chu kỳ xác định và lặp lại nhiều lần.


- Báo cáo chuyên đề là báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin có tính chuyên sâu về một chủ đề nào đó và thực hiện trong khoảng thời gian nhất định.


- Báo cáo đột xuất là báo cáo được ban hành để đáp ứng yêu cầu thông tin về vấn đề phát sinh bất thường.


Thông tư 16/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 29/5/2020.


Trên đây là phần tổng hợp những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ cuối tháng 5/2020, hy vọng đây là nguồn tin tức hữu ích mà độc giả quan tâm.


Nguồn: thuvienphapluat


Đăng nhận xét

0 Nhận xét