Giấy ủy quyền có được xem là di chúc?
Việc lập giấy ủy quyền tài sản cho người khác sau đó người ủy quyền qua đời thì giấy ủy quyền có được xem là di chúc không? Liên quan đến việc ủy quyền đất đai, độc giả gửi thắc mắc với nội dung như sau:
Năm 2016 bố mất, trước đó bố tôi có viết giấy ủy quyền sử dụng đất cho em trai tôi có chữ ký của bố và chữ ký xác nhận của người bán đất vì phần đất này chưa sang tên sổ đỏ. Hiện nay mảnh đất đã sang tên và do mẹ tôi đứng tên. Xin hỏi luật sư, giấy ủy quyền còn giá trị pháp lý không, có được coi là di chúc của bố tôi không? Cảm ơn luật sư tư vấn.
Luật sư trả lời:
1. Vấn đề hiệu lực của hợp đồng ủy quyền
Căn cứ theo Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng uỷ quyền như sau:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Theo quy định trên, thì thời hạn uỷ quyền được xác định bởi các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Trường hợp không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền (theo Điều 563 Bộ luật dân sự 2015).
Cũng theo Bộ luật Dân sự 2015 thì việc chấm dứt Hợp đồng uỷ quyền áp dụng trong các trường hợp:
1. Hợp đồng uỷ quyền hết hạn;
2. Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
3. Bên uỷ quyền, bên được uỷ quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này.
4. Bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
Với những quy định trên thì khi bố bạn mất việc uỷ quyền sử dụng đất của bố bạn cho em bạn sẽ chấm dứt, việc uỷ quyền sẽ không còn quyền để tiếp tục thực hiện.
2. Điều kiện di chúc hợp pháp
Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Cụ thể, di chúc hợp pháp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Với trường hợp của bạn, bố bạn lập giấy ủy quyền sử dụng đất cho em trai bạn, không đề cập đến việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho người em này khi bố mất.
Bên cạnh đó, hiện tại theo quy định pháp luật thì văn bản uỷ quyền liên quan đến đất đai cần phải được công chứng và hiện nay do bố bạn đã mất nên việc ủy quyền đã chấm dứt. Vậy nên, giấy giấy ủy quyền sử dụng đất này không thể coi là di chúc của bố bạn.
Hiện nay sổ đỏ do mẹ bạn đứng tên, nên mẹ bạn có thể làm di chúc để lại cho em bạn hoặc thực hiện chuyển nhượng đất cho em bạn bằng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất.
Đăng nhận xét
0 Nhận xét