kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Lập di chúc có điều kiện nhận di sản được không?

Lập di chúc có điều kiện nhận di sản được không?

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác. Quyền lập di chúc được pháp luật thừa nhận và bảo hộ nhằm thể hiện quyền của người lại tài sản. Tuy nhiên, nội dung di chúc phải dựa trên các quy định pháp luật, tuân thủ các điều kiện của pháp luật mới có hiệu lực pháp luật. Liên quan đến quyền xác định nội dung di chúc, độc giả gửi thắc mắc có nội dung như sau:

Tôi không có chồng và có 1 con trai. Nay tôi lập di chúc với nội dung như sau: tài sản để lại cho con, riêng căn nhà thì để con tôi rồi đến đời các cháu tôi ở nhưng không được quyền bán. Nếu như sau này khu đất đó nhà nước quy hoạch, làm lợi ích cho đất nước cho dân, thì con tôi nhận đền bù và di dời đi. Xin hỏi nếu như vậy thì bản di chúc có hợp pháp không?

Luật sư trả lời:


Điều 626 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các quyền của người lập di chúc bao gồm:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Bạn muốn sau khi chết sẽ giao nhà và đất ở cho con trai mình với điều kiện không được chuyển nhượng nhà đất cho người khác. Như vậy có hai trường hợp xảy ra như sau:


Thứ nhất: 


Nếu bạn muốn nhà đất của bạn để lại được dùng vào việc thờ cúng, đồng thời giao cho con trai bạn trực tiếp thực hiện việc thờ cúng và được ở trên nhà đất này thì con trai bạn sẽ không được chuyển nhượng cho người khác. 


Trường hợp này được quy định cụ thể tại Ðiều 645 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: 

Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Như vậy, nếu bạn muốn sau khi bạn chết, con trai bạn không được chuyển nhượng nhà đất này thì trong di chúc bạn cần nêu rõ nhà đất bạn để lại sẽ được dùng vào việc thờ cúng và giao nhà đất này cho con trai của bạn quản lý.


Thứ hai:


Nếu bạn muốn viết di chúc với nội dung là sau khi bạn chết sẽ cho con trai bạn thừa kế nhà đất của mình với điều kiện không được chuyển nhượng nhà đất này cho người khác thì về nguyên tắc, con bạn sẽ không được chuyển nhượng.


Tuy nhiên, trên thực tế thì rất khó để kiểm soát việc con trai bạn có thực hiện theo đúng ý nguyện của bạn hay không. Bởi lẽ, sau khi bạn chết, theo quy định của pháp luật, con trai bạn có quyền làm thủ tục theo để đăng ký sang tên quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà con bạn được nhận theo di chúc. Khi đã trở thành chủ sở hữu khối tài sản được thừa kế, con trai bạn có toàn quyền của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt) nên việc bán hay không bán khối tài sản này tùy thuộc vào con trai bạn.


Mặt khác, các cơ quan thực hiện thủ tục sang tên này cũng không ghi nhận điều kiện chuyển nhượng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Do đó, việc cho con trai bạn được thừa kế nhà đất nhưng lại không được chuyển nhượng cho người khác là việc khó thực hiện được trên thực tế.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét