Lập di chúc đất hộ gia đình như thế nào?
Liên quan đến việc lập di chúc đất hộ gia đình như thế nào? Độc giả gửi thắc với nội dung hỏi về “ thẩm quyền lập di chúc đất của hộ gia đình” như sau:
Trong một thửa đất, người bố đứng tên chủ hộ thì người bố có được bán thửa đất đó mà không cần sự đồng ý của những người con không? Nếu người bố viết di chúc để lại cho người khác thì di chúc đó có hiệu lực không?
Với nội dung thắc mắc này sau khi tham vấn ý kiến của Luật sư, xin tổng hợp và đưa nội dung tư vấn cho câu hỏi của độc giả như sau:
Khoản 1 Điều 25 Luật cư trú năm 2006 quy định:
Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình:
1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú.
Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu."
Chủ hộ là người do gia đình cử ra, chịu trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện các quy định về đăng ký và quản lý cư trú, do đó chủ hộ có thể là người được chỉ định đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và có thể cũng không phải là người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất (trường hợp này là người được chỉ định trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có quyền chuyển nhượng đất cho người khác.
Như vậy, Bạn cần xác định rõ chủ sở hữu đất trong GCNQSDĐ là bố bạn hay hộ gia đình bạn. Trong trường hợp bố bạn là người đứng tên trên GCNQSDĐ thì người bố hoàn toàn có quyền bán thửa đất đó mà không cần sự đồng ý của những người con. Trường hợp chủ sở hữu là hộ gia đình thì việc định đoạt tài sản này cần có sự đồng ý của các thành viên từ 15 tuổi trở lên trong gia đình. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 212 Bộ Luật dân sự năm 2015 như sau:
Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”
Đối với việc lập di chúc. Bố bạn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Để lập di chúc hợp pháp, cần phải tuân thủ quy định về hình thức và nội dung:
Theo quy định tại Điều 626 BLDS năm 2015, người lập di chúc có các quyền sau đây:
Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Tham khảo chi tiết quy định về di chúc pháp để hiểu rõ hơn
Dựa theo những quy định nêu trên, thì trong phạm vi tài sản thuộc sở hữu của Bố bạn, nếu di chúc của bố bạn đảm bảo những quy định trên thì có giá trị pháp lý, và di sản được chỉ định sẽ được phân chia theo nội dung di chúc.
Đăng nhận xét
0 Nhận xét