kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Con dâu có được hưởng thừa kế thế vị không?

Con dâu không thuộc hàng thừa kế thứ nhất, cũng không phải đối tượng được nhận phần thừa kế thế vị mà chồng được hưởng. Nên con dâu không được quyền hưởng thừa kế thế vị di sản của cha mẹ chồng. Để hiểu rõ hơn về quy định này mời độc giả tham khảo phần tư vấn nội dung thắc mắc của độc giả sau đây.
Con dâu được thừa kế thế vị không
Con dâu có được hưởng thừa kế thế vị không?

Câu hỏi: 


Gia đình tôi có 2 anh em, anh tôi đã lập gia đình và sống riêng, anh chết trước bố 5 năm.  Bố  tôi có hai căn nhà, cho tôi một căn nhưng chỉ cho bằng miệng mà không có di chúc hay giấy tờ thừa kế nào. Vợ anh tôi nuôi con một mình, liệu chị ấy có được hưởng thừa kế 2 căn nhà trên không? nhờ Luật sư giải đáp giúp tôi, xin cảm ơn !
Trả lời:

1. Quy định chia thừa kế theo Pháp luật

Để chia thừa kế di sản của bố bạn để lại thì cần xác định được di sản gồm những tài sản nào? Trường hợp 2 căn nhà thuộc sở hữu của bố bạn đồng nghĩa với việc 2 căn nhà là di sản để chia thừa kế. Bạn cung cấp thông tin "Bố tôi có 2 sổ đỏ do ông đứng tên", vậy giả thiết để tư vấn cho trường hợp của bạn là bố mẹ bạn đã ly hôn hoặc mẹ bạn đã chết trước khi bố bạn mua/có 2 căn nhà đó.

Trường hợp thứ nhất

Theo quy định pháp luật, hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập bằng văn bản và có công chứng chứng thực nên hợp đồng tặng cho ngôi nhà giữa bố bạn và bạn bằng miệng không có hiệu lực pháp lý. Vậy nên, hợp đồng này sẽ vô hiệu, và các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận. Như vậy 2 căn nhà trên vẫn là di sản thừa kế của bố bạn.

Trường hợp thứ hai

Bố bạn chết không để lại di chúc, vì vậy di sản thừa kế được chia theo pháp luật. Căn cứ vào Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thuộc diện thừa kế trước tiên là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

2. Quy định thừa kế thế vị

Đồng thời, căn cứ vào Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015:

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống….

Như vậy, theo quy định thừa kế thế vị trường hợp anh của bạn chết trước bố bạn (người để lại di sản thừa kế) thì con của anh bạn sẽ được nhận phần di sản mà anh bạn được quyền hưởng nếu anh bạn còn sống.
Vợ của anh bạn không thuộc hàng thừa kế thứ nhất, cũng không phải đối tượng được nhận phần thừa kế mà anh bạn được quyền hưởng. Vì vậy, vợ của anh bạn không được quyền hưởng bất kỳ phần thừa kế nào của di sản thừa kế là 2 căn nhà nêu trên, mà quyền thừa kế thuộc về con của anh bạn.

Trên đây, là nội dung tư vấn giải đáp thắc mắc của độc giả vấn đề con dâu có được hưởng thừa kế thế vị không. Tham khảo phần tư vấn của luật sư, nếu chưa rõ vấn đề gì vui lòng liên hệ trực tiếp Luật sư qua Hotline: 0909854850 để được giải đáp cụ thể.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét