kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Người dưới 18 tuổi có được đứng tên tài sản không?

Pháp luật quy định độ tuổi nào được đứng tên tài sản, người dưới 18 tuổi có được đứng tên tài sản không? Nội dung tư vấn giải đáp thắc mắc của độc giả sau đây sẽ làm rõ vấn để này.


dưới 18 tuổi được đứng tên tài sản không
Người dưới 18 tuổi có được đứng tên tài sản không? 

Câu hỏi: 

Bố chồng tôi trước khi mất có để lại di chúc cho con trai tôi một căn nhà ở quê trị giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên cháu năm nay mới 15 tuổi.  Vậy cháu chưa đủ 18 tuổi thì  có được đứng tên ngôi nhà đó không?

Trả lời:

1. Quy định về quyền thừa kế

Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Theo đó, người thừa kế mà di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì chỉ cần:

+ Còn sống vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết);

+ Hoặc sinh ra sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Dựa theo quy định trên thì con của chị (15 tuổi) hoàn toàn đáp ứng điều kiện để nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo di chúc của bố chồng chị để lại

2. Độ tuổi đứng tên sổ đỏ

Theo khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Sổ đỏ) được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Theo đó, người quyền sử dụng đất được quy định tại điều 5 Luật Đất đai 2013 gồm: Hộ gia đình, cá nhân; doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước…

Như vậy, pháp luật đất đai không quy định độ tuổi đứng tên Sổ đỏ mà quy định người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất thì được cấp Sổ đỏ.

Ngoài ra, điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định 04 mốc độ tuổi mà theo đó có những điều kiện tham gia giao dịch, nhất là giao dịch về bất động sản là khác nhau:
- Chưa đủ 06 tuổi thì giao dịch sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện (thay mặt).
- Từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký (phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý).
- Từ đủ 18 tuổi trở lên thì cá nhân tự mình xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm.

Như vậy, con của chị dưới 18 tuổi sẽ có quyền đứng tên trên sổ đỏ, nhưng sẽ không được tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản mà phải có sự đồng ý của của người đại diện. Ở đây, bố mẹ của cháu (chị) có thể làm người đại diện cho con mình để thực quyền giao dịch nhận thừa kế là quyền sử dụng đất cho con mình.

Trên đây, là nội dung tư vấn của chúng tôi nhằm giải đáp thắc mắc dưới 18 tuổi có đứng tên tài sản được không. Hy vọng các quy định trên đây đã giúp chị cũng như độc giả hiểu rõ về độ tuổi được đứng tên tài sản nói chung và đứng tên quyền sử dụng đất nói riêng. Nếu còn thắc mắc vấn đề gì vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư tư vấn qua Hotline: 0909854850 để được giải đáp cụ thể.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét