kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Các trường hợp áp dụng thừa kế thế vị

trường hợp áp dụng thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị là một chế định đặc biệt vì người nhận di sản không dựa theo di chúc và cũng không thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản của người chết. Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về những trường hợp được hưởng thừa kế thế vị.

1. Những trường hợp áp dụng thừa kế thế vị

Dựa theo quy định tại điều 652 về thừa kế thế vị thì các trường hợp áp dụng thừa kế thế vị gồm:

- Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông bà.

- Chắt thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của cụ.

Có thể thấy, Việc quy định thừa kế thế vị của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người thân thích nhất của người để lại di sản, hạn chế tối đa những trường hợp di sản của ông, bà, cụ mà cháu, chắt không được hưởng. Việc cháu chắt được hưởng phần di sản này từ phần mà đáng lẽ bố mẹ, cháu chắt được hưởng nếu còn sống phần nào cũng thể hiện mong muốn của ông bà, cụ.

Như vậy, quan hệ thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo trình tự hàng. Tuy nhiên cần dựa vào hàng thừa kế để làm căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh khi di sản của người chết được chia thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc.

2.   Điều kiện để được hưởng thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị là trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực dân sự vì người được hưởng di sản không thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản của người chết. Việc thừa kế di sản ở đây có thể được hiểu là cháu, chắt nhận phần di sản thay cho bố mẹ từ ông bà, cố.

Như vậy, thừa kế thế vị chỉ được xét đến khi thỏa mãn những điều kiện sau:

- Những người thừa kế là người có quan hệ cha mẹ với con cái, trong đó người thế vị phải là người ở đời sau tức là con thừa kế thế vị thay cha mẹ di sản của ông bà. Nghĩa là chỉ có con được thế vị cha mẹ mà không bao giờ có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con. Người được hưởng thừa kế thế vị có thể là con đẻ hoặc con nuôi. Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015 quy định 
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
- Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản: 
Về nguyên tắc thì hiếm khi có trường hợp hai người chết cùng một thời điểm. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp nhiều người chết trong một vụ tai nạn mà không thể xác định được ai chết trước, ai chết sau. Vì vậy, buộc phải suy đoán họ chết cùng một thời điểm. Nếu hai người thừa kế tài sản của nhau mà được coi là chết cùng một thời điểm, thì họ sẽ không được thừa kế của nhau. Khi đó, nếu những người là con, cháu của người đương nhiên có quyền nhận hưởng thừa kế thế vị di sản từ ông bà nếu không có di chúc để  lại.

- Cháu, chắt của người để lại di sản phải còn sống hoặc chưa ra đời nhưng đã thành thai vào thời điểm ông, bà, cụ chết mới được áp dụng chế định thừa kế thế vị: Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của những người đã chết sang cho những người còn sống.

Do vậy, điều kiện để những người được hưởng thừa kế thế vị cũng là họ phải còn sống hoặc đã thành thai vào thời điểm mở thừa kế. Nếu thai nhi sinh ra và còn sống thì được hưởng phần di sản đó, nếu chết trước khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì phần di sản được chia cho những người thừa kế khác.

Như vậy, quan hệ thừa kế thế vị không phải là thừa kế theo trình tự hàng nhưng hàng thừa kế lại là căn cứ để xác định quan hệ thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc.

Trên đây, là phần chia sẻ về những trường hợp áp dụng thừa kế thế vị theo quy định pháp luật. Độc giả tham khảo nội dung bài viết nếu còn vướng mắc ở điểm nào, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư tư vấn thừa kế DHLaw qua Hotline: 0909854850 để được hỗ trợ giải đáp cụ thể.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét