kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Quy định hưởng thừa kế đối với người nuôi dưỡng

Quy định hưởng thừa kế đối với người nuôi dưỡng

Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ người chết sang một cá nhân nào đó theo di chúc hoặc theo pháp luật


Chào Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: Vợ tôi có một bà dì, sống một mình và thuộc hộ đơn thân. Từ năm 2016, bà có yêu cầu gia đình tôi nhập khẩu về ở cùng bà (có cam kết do ủy ban nhân dân xác nhận và đóng dấu). Từ đó vợ chồng tôi đã có nghĩa vụ trông nom bà, cho đến nay đã là hơn ba năm. Nhưng hiện giờ dì lại làm di chúc cho người khác.


 Vậy tôi muốn hỏi, vợ chồng tôi có được quyền lợi thừa kế gì đối với di sản của dì ấy không? Xin tư vấn và cảm ơn!


Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về thừa kế đối với người nuôi dưỡng.  Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa tư vấn như sau:


1. Căn cứ pháp lý về thừa kế đối với người nuôi dưỡng


Bộ luật dân sự năm 2015


2. Nội dung tư vấn về thừa kế đối với người nuôi dưỡng


Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, lợi ích, nợ nần, các quyền, nghĩa vụ từ một người đã chết sang một cá nhân nào đó. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thừa kế có 2 dạng thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật và tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật.


Theo thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi, chúng tôi chưa thể xác định được là di chúc của dì bạn liệu có giá trị pháp lý hay không, có được lập theo đúng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 hay không? Do đó, chúng tôi xin đưa ra 2 hướng tư vấn như sau:


2.1 Quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc

Trường hợp thứ nhất, di chúc do dì của bạn lập có hiệu lực pháp lý, đảm bảo đúng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 624, Bộ luật dân sự năm 2015: 


Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.


Như vậy, pháp luật đã đề cao ý chí của chủ sở hữu tài sản về việc định đoạt tài sản của mình ngay cả khi họ đã chết. Điều này cũng đảm bảo đúng với nguyên tắc tự do ý chí, tự do định đoạt mà Bộ luật dân sự đã đặt ra. Do đó, việc phân chia di sản thừa kế hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà dì bạn để lại sau khi mất. Trong trường hợp di chúc không thể hiện việc phân chia di sản cho bạn thì bạn không có quyền yêu cầu được phân chia mặc dù bạn có là người nuôi dưỡng, chăm sóc dì bạn trước đó.


Pháp luật về thừa kế theo di chúc cũng đặt ra trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc theo Điều 644 Bộ luật dân sự như sau:



1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:


a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;


b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.


Đối chiếu với quy định của pháp luật, trong trường hợp của bạn, thì mặc dù bạn là người nuôi dưỡng thực tế cho dì của bạn nhưng lại không thuộc trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó bạn cũng không có quyền được yêu cầu phân chia di sản thừa kế nếu trong di chúc bạn không được xác định là người thừa kế.


2.2 Quy định của pháp luật về thừa kế theo pháp luật


Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Theo quy định tại khoản b, điểm 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì sẽ chia di sản thừa kế theo pháp luật:


1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:


b) Di chúc không hợp pháp;


Theo Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:


a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;


b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;


c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.


2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.


3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.


     Như vậy, đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, vợ bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ 3 của dì bạn. Để vợ bạn được nhận thừa kế theo pháp luật của dì thì buộc những người ở hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai của dì bạn phải không còn sống, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. 


     Tóm lại, trong trường hợp của bạn, nếu di chúc của dì bạn có hiệu lực thì bạn sẽ không có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế của dì, mặc dù trước đó bạn nuôi dưỡng dì. Nếu di chúc của dì không có hiệu lực thì vợ bạn chỉ có thể được nhận di sản thừa kế theo pháp luật nếu những người ở hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai của dì bạn phải không còn sống, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.


Để được tư vấn chi tiết về thừa kế đối với người nuôi dưỡng, quý khách vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn dân sự 24/7 19006500 để được tư vấn chi tiết hoặc gửi câu hỏi về Email: lienhe@luattoanquoc.com. Chúng tôi sẽ giải đáp toàn bộ câu hỏi của quý khách một cách tốt nhất.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét