kiến thức pháp luật thừa kế - di chúc

Thủ tục đòi di sản thừa kế từ người chiếm hữu bất hợp pháp

Thực trạng khởi kiện đòi di sản thừa kế từ người chiếm hữu bất hợp pháp diễn ra khá phổ biến và rất phức tạp. Việc tiến hành trình tự, thủ tục trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian. Cụ thể, bài viết dưới đây xin trình bày tổng quát về quy trình thực hiện khởi kiện trường hợp này ra tòa án.

 đòi di sản thừa kế bị chiếm đoạt

Câu hỏi:

Tôi là con nuôi của ba mẹ tôi, việc nhận nuôi đã đăng ký và ghi vào sổ đăng ký hộ tịc của gia đình. Bố mẹ tôi có tôi và một chị nữa là con ruột của ông bà. Cả tôi và chị đều đã lập gia đình và sống riêng. Bố nuôi tôi đã mất cách đây hơn 10 năm, vừa qua mẹ nuôi tôi mất đột ngột, bà không kịp để lại di chúc. Sau khi bà mất tôi mới biết là chị gái mình đã chuyển hết quyền sử dụng đất cùng căn nhà mẹ đang ở sang cho chị ấy. Trong trường hợp này, Tôi có khởi kiện đòi thừa kế được không? Nếu được thì thủ tục tiến hành như thế nào? Tôi phải chuẩn bị những giấy tờ gì? Và nộp đơn kiện ở đâu? Mong nhận được tư vấn của Luật sư. Xin cảm ơn!

Trả lời: 

Đối với thắc mắc của bạn Luật sư của chúng tôi xin giải đáp như sau:

Quan hệ con – bố mẹ nuôi đã đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch, tức là đã được pháp luật công nhận. Nên bạn đương nhiên có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật từ bố mẹ nuôi của bạn.

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo nội dung bạn gửi tới, bố mẹ nuôi bạn có bạn và chị gái là con nên cả 02 người đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng phần di sản bằng nhau. Việc chị gái bạn tự sang tên tất cả di sản thừa kế của bố mẹ nuôi bạn sang tên chị ấy là vi phạm quy định pháp luật. Bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi lại phần di sản mà chị bạn đã chuyển nhượng bất hợp pháp sang tên của mình.

* Về thủ tục khởi kiện bạn có thể thực hiện theo trình tự sau:

+ Xác định điều kiện khởi kiện và các điều kiện khác như thẩm quyền toà án xét xử,…
+ Thu thập bằng chứng, chứng cứ, tài liệu để chứng minh và bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
+ Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện: 

* Về hồ sơ khởi kiện có thể bao gồm:

+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người để lại di sản và người khởi kiện, ví dụ như giấy nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế;
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản;
 + Bản kê khai các di sản;
+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
+ Các giấy tờ khác (nếu có).

* Nơi nộp hồ sơ khởi kiện

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp về thừa kế tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp Huyện nơi có bất động sản (theo điểm a Khoản 1 Điều 35, điểm c Khoản 1 Điều 39). Trường hợp bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết (theo điểm I Khoản 1 Điều 40).

Như vậy, trên đây là phần tư vấn của Luật sư DHLaw về vấn đề Đòi di sản thừa kế từ người chiếm hữu bất hợp pháp. Nếu còn vướng mắc hay cần hỗ trợ vấn đề gì liên quan đến tranh chấp thừa kế, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài miễn phí: 0909854850 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét